Theo Y học cổ truyền thoái hóa khớp gối được mô tả là chứng tý, hạc tất phong.
Thế nào là thoái hóa khớp gối?
Thoái hóa khớp gối là hiện tượng hư hỏng phần sụn đệm giữa hai đầu xương, kèm theo là phản ứng viêm và hiện tượng giảm thiểu lượng dịch nhầy giúp bôi trơn điểm nối giữa hai đầu xương.
Đây là tình trạng lão hóa của khớp, sụn khớp bị lão hóa trở nên sần sùi, mất độ trơn nhẵn, giảm đàn hồi, khô và nứt nẻ, mòn khuyết…
Thoái hóa khớp gối là một trong những bệnh khớp mạn tính thường gặp ở người cao tuổi, người thường xuyên làm việc ở tư thế đứng hoặc ngồi lâu, khiêng vác nặng trong thời gian dài…
Triệu chứng nhận biết thoái hoá khớp gối là gì?
– Đau ở mặt trước hoặc trong khớp gối. Đau tăng khi vận động, đặc biệt là khi lên xuống dốc, lên xuống cầu thang, đứng lên khi ngồi xổm.
– Có tiếng lạo xạo trong khớp khi vận động.
– Có thể hạn chế vận động, nhất là động tác gấp, có dấu hiệu “phá gỉ khớp” – hiện tượng cứng khớp khi mới ngủ dậy hoặc lúc bắt đầu vận động, vận động nhẹ vài phút mới có thể đi lại và hoạt động bình thường.
– Có thể có dấu hiệu bập bềnh xương bánh chè, sưng, nóng, đỏ khớp bị thoái hóa. Một số trường hợp có thoát vị bao hoạt dịch vùng khoeo.
– Trường hợp thoái hóa khớp gối nặng ảnh hưởng đến vận động của chi dưới lâu ngày sẽ dẫn đến hiện tượng teo các cơ ở đùi, dần dần có thể biểu hiện giống liệt chi dưới.
Ngoài các dấu hiệu và triệu chứng lâm sàng trên, Bác sĩ sẽ chỉ định các kiểm tra khác như Xquang khớp gối, siêu âm khớp hoặc MRI khớp tuỳ theo trường hợp nghi ngờ tổn thương để đưa ra các phương pháp điều trị thích hợp.
Điều trị ra sao?
Với Y học hiện đại, Bác sĩ có thể sử dụng một số thuốc kháng viêm, giảm đau, giãn cơ… phối hợp các phương pháp không dùng thuốc như vật lý trị liệu, siêu âm, sóng ngắn… Ngoài ra một số phương pháp khác cũng được Y học hiện đại lựa chọn như tiêm bổ sung chất nhờn, tiêm giảm đau – kháng viêm tại ổ khớp… Trường hợp thoái hoá khớp gối có các tiêu chuẩn chẩn đoán mức độ nặng, người bệnh có thể được chỉ định để phẫu thuật thay khớp.
Với Y học cổ truyền, dựa vào từng thể bệnh mà Bác sĩ sẽ lựa chọn bài thuốc phù hợp. Ngoài việc sử dụng thuốc thang, Y học cổ truyền còn có thế mạnh điều trị bằng các phương pháp khác như: Châm cứu, Cấy chỉ, Nhĩ châm, Thuỷ châm, Xoa bóp bấm huyệt, Luyện tập dưỡng sinh… Cũng dựa vào tình trạng cụ thể của người bệnh mà Bác sĩ sẽ lựa chọn công thức huyệt điều trị phù hợp.
Với các tiến bộ trong nghiên cứu khoa học, các phương pháp châm cứu ngày càng đa dạng hơn với nhiều phương thức để lựa chọn như laser châm, điện châm không kim… Các phương thức điều trị này giúp cho người bệnh sợ kim vẫn có thể được điều trị bằng châm cứu tuy không dùng kim nhưng vẫn đạt được hiểu quả cao.
Ngày nay, việc kết hợp điều trị song song giữa Đông – Tây y luôn mang lại hiệu quả cao và duy trì được kết quả điều trị trong thời gian lâu dài.
Phòng ngừa ra sao?
Để đảm bảo việc điều trị có hiệu quả cao, việc duy trì các tư thế sinh hoạt đúng là yếu tố quan trọng hàng đầu, việc này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa người bệnh và Bác sĩ.
Người bệnh không nên leo cầu thang quá nhiều, ngồi xổm, đứng quá lâu hoặc làm việc quá nặng trong thời gian kéo dài, nếu đau gối nhiều khi đi lại nên mang nẹp gối và hoặc sử dụng gậy hỗ trợ.
Chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt hợp lý sẽ hạn chế được quá trình thoái hoá khớp, người bệnh nên tham vấn với các chuyên gia để được tư vấn phù hợp với tình trạng sức khoẻ của mình.
Người bệnh khi có các triệu chứng đau khớp, thoái hóa khớp cần được thăm khám bởi các Bác sĩ có chuyên môn, không nên tự ý mua và sử dụng các thuốc giảm đau, kháng viêm tránh các biến chứng nguy hiểm do sử dụng thuốc sai cách, không đúng liều lượng.
Tác giả: BS. Âu Văn Khê